Friday, March 27, 2015

Làng Câu AET Kỳ 130. Tháng 3 Non Nước Điêu Linh

Làng Câu AET Kỳ 130. Tháng 3 Non Nước Điêu Linh
Thurday March 26, 2015
 
*** Thân kính dành chút thời gian  và công sức thấp hèn  thiện nguyện vô vụ lợi này đến qúy Huynh ĐCựu Thiếu Sinh Quân (C.TSQ/ AET),  và qúy Anh Chị Em hiền-lương khắp mọi nơi  để  chia xẻ nỗi niềm nơi chốn tha phương,  cũng như bên quê nhà ,  và qua đó cũng ước mong được xem như là  một chút  báo đáp công ơn Trường Mẹ Thiếu Sinh Quân VN.
 
CTSQ. Làng Thủy Triều.
 
Ghi-Chú: 
 
- Làng Câu AET không phải là  một diễn đàn, cũng không phải là một Hội Đòan,  và cũng không gò bó.
- Mọi sự  liên lạc, trao đổi, thông tin, thăm hỏi v.v.. trên Làng Câu AET đều mang tính cá nhân  không qúa ồn ào và vừa phải.
- Danh tánh anh chị em đóng góp, chia xẻ   trong Làng Câu AET có thể  sẽ được tế nhị mã hóa, và
  Làng Câu AET xin miễn chịu trách nhiệm về những  ý kiến đóng góp  đó.
- Xin chân thành nhớ ơn Tác gỉa các bài viết và nghiên cứu  gía trị mà Làng Câu AET  thỉnh cầu từ khắp nơi trên thế giới.
- Nếu gởi lộn Tên hay địa chỉ người nhận, Xin vui lòng báo cho Làng Câu AET biết để điều chỉnh lại. Thành thật  cám ơn.
 
- - -
 

alt
Tưởng Niệm 40 Năm (1975-2015) Tháng 3 Gẫy Súng.
Ý Người  và Ý Trời
            Khi đất Trời rung chuyển trong cơn Đại Hồng Thủy giáng xuống đầu người dân Việt Nam  vào tháng 4 năm 1975, cách hay 40 năm, có một số người đã biết trước nhờ lý do này lý do khác nên đã tìm cách tháo chạy, trong khi một số khác biết điềm đen tối đang gíang xuống đầu dân tộc nhưng quyết chí  chọn lựa sự ở lại , sống chết trên quê hương,  nhưng phần tuyệt đại đa số  còn lại dân cũng như quân Miền Nam VNCH thì không biết gì hết và qúa ngỡ ngàng khi nước  bị mất trong thời gian qúa ngắn ngũi  chỉ có 55 ngày đêm, so với hơn 20 năm bảo vệ nước  qua chiến đấu kiên cường bất khuất !
            Có một số người  khó khăn gian nguy lắm mới thoát khỏi VN để đến bến bờ tự do ngòai lãnh thổ VNCH, nhưng sau đó vì lý do này, lý do khác , hay số phận đã  an bài nên dù đã thoát thân rồi nhưng cũng  lại đâm đầu quay trở lại VN sau khi Sàigòn bị sụp đổ và hậu qủa  những người đó đã bị  tù đày,  hay còn bị mất mạng trong tù, như  tàu Việt Nam Thương Tín đã quay trở về VN  cùng với số phận những người  trên tàu đã quay lại  đó mà hầu như chẳng ai khá nổi, hoặc có những vị  có đủ phương tiện nhưng  không  tìm cách thoát thân và  đã tự sát hay chấp nhận chịu tù đày  thê lương  và chấp nhận tất cả  khi nước mất, hoặc  có người cố  trốn thoát nhưng thoát không  được , và tất cả những điều nêu trên  cho thấy  có lẽ do Thiên ý hơn là Nhân-Ý.
            Nhân ngày Tưởng Niệm 40  tháng 3 gẫy súng, xin dược chọn hai bài  sau đây  làm  tiêu biểu để thấy  số phận của con người cũng như đất nước thân yêu Việt Nam  trước và sau cơn Đại Hồng Thủy.
 
Ghi Chú : bài của tác gỉa Võ Hương An, do NT.  AET Nguyễn Phan Tựu (CO) , CHT ĐCT 72/NKT  chuyển.
 
 alt
Thuận An – Huế
 
Mọi người thường nói đến Tháng Tư, tôi chỉ nói đến Tháng Ba, bởi vì tôi là cư dân Ðà Nẵng. Ðà Nẵng thất thủ ngày 29 Tháng Ba 1975. Bước qua Tháng Tư thì tôi không còn chi để nói nữa, vì tôi đã vô tù, khi Sàigòn đang còn ăn ngon ngủ yên.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 28 Tháng Ba 1975, Cao Minh T., hải quân trung úy, thuộc văn phòng chỉ huy trưởng căn cứ Hải Quân Ðà Nẵng, lái xe đến nhà, nói với tôi:
“Thưa thầy – chả là tôi là thầy cũ của T. hồi trung học – ông sếp của em biểu em qua thưa với thầy: sáng mai, cũng vào giờ này, thầy mang gia đình qua căn cứ. Ðến cổng trại Chi Lăng, thầy mượn điện thoại gọi cho em hoặc ông sếp của em, em sẽ ra đón thầy vô. Thầy nhớ chỉ mang đồ gọn nhẹ cho dễ di chuyển. Có thể tối mai mình lên tàu.”
T.về rồi, tôi nói cho bà xã biết để chuẩn bị lần cuối.
Sếp của T. là Lê Kim L., hải quân trung tá, bạn cùng lớp, ngồi cùng bàn với tôi hồi trung học. Tôi làm việc ở Quận 1, bên này sông Hàn, còn trại Chi Lăng của L. nằm ở bán đảo Tiên Sa thuộc Quận 3. T. dùng chữ “qua” là hết trật. Tôi bắt tay T., cảm ơn cả hai thầy trò và hứa sẽ có mặt đúng giờ.

Giữa Tháng Ba, khi Quảng Trị và Huế bắt đầu đỏ lửa, rút kinh nghiệm mùa Hè 72, đồng bào đã bắt đầu di tản vô Ðà Nẵng, Có tin đồn ngày 21 hoặc 23 Tháng Ba quốc lộ 1 sẽ bị cắt, nên cường độ di tản càng tăng; người ta đi bằng mọi phương tiện, kể cả máy cày và xe bò. Chính tôi cũng phải vội vã đem xe ra Huế đón thầy tôi và gia đình bên vợ vào ngay kẻo sợ kẹt đường như tin đồn. Trong một lần gặp nhau, L. nói với tôi, “Cái rờ moọc (remorque) của tau nặng, mà cái rờ moọc của mi cũng nặng. Tình thế này nếu không đưa đại gia đình vô Sàigòn bằng máy bay được thì phải tính tới tàu thủy. Có lẽ mi đem gia đình qua tau để cùng đi.” Ðó là lý do T. thay mặt ông thầy đến ước hẹn với tôi hôm ấy.
Cuộc triệt thoái của quân đội VNCH và dân chúng ra khỏi Huế. Dân và quân, người theo xe, kẻ đi bộ, vượt đèo Hải Vân hướng về Đà Nẳng.
 
 alt
Ảnh của cựu phóng viên ABC, Trần Khiêm
 
Bấy giờ Ðà Nẵng như trong cơn hấp hối, không biết mất lúc nào. Thành phố tràn ngập người tị nạn từ Quảng Trị và Huế vào và từ Quảng Nam, Quảng Tín ra, chưa kể các đơn vị quân đội hàng vạn người từ các nơi thuộc vùng I rút về bố trí vòng trong vòng ngoài Ðà Nẵng. Tất cả các trường học đều đóng cửa làm nơi tạm trú cho đồng bào tị nạn. Ngay cái sở tôi làm việc cũng phải tạm ngưng hoạt động – bởi từ trên xuống dưới không ai còn bụng dạ đâu để làm việc để tiếp nhận thân nhân, bạn bè, đến tìm nơi tạm trú; trong đó, nội đại gia đình hai bên của vợ chồng tôi đã không dưới hai chục người. Sếp lớn đang ở Sàigòn, hai “sếp nhỏ” là Tr., Chánh sự vụ, và tôi, lo điều động sắp xếp sao cho mọi người tạm ổn trước khi đi bước kế tiếp. Tối đến, trên nền tầng dưới của cái phòng làm việc rộng lớn, các gia đình trải chiếu nằm la liệt. Tôi điện thoại vào Sàigòn, báo cáo tình hình với sếp, được sếp hứa là ngoài đó anh em yên tâm, sẽ có máy bay ra đón. Chờ đến ngày 27 Tháng Ba cũng chẳng thấy chi, mà ví dầu có máy bay chăng nữa cũng không dễ chi kéo bầu đoàn mấy chục người lên tàu một cách an toàn. Sau ngày 27 Tháng Ba thì không còn liên lạc được với Sàigòn nữa.
Hàng ngày, toàn những tin xấu đưa tới. Huế chính thức thất thủ ngày 26 Tháng Ba, nhưng trước đó, quả thật đường đèo Hải Vân đã đã bị cắt như lời đồn. Nhiều mẩu chuyện thương tâm và khủng khiếp trên bãi Thuận An được những người vượt thoát và sống sót kể lại. Phi trường Ðà Nẵng bị pháo kích. Người ta chen chúc giành giật nhau lên máy bay, có người liều lĩnh một cách tuyệt vọng bằng cách bám vào càng bánh xe máy bay và rơi xuống vịnh Ðà Nẵng như trái mít, hoặc bị chẹt chết trong hầm bánh xe. Trên bến sông Hàn, người ta chen nhau lên tàu. Chiếc tàu Trường Xuân (hay Trường Thành? Trường Sơn? Lâu ngày quên mất, chỉ còn nhớ được chữ Trường!) tiếp nhận một số lượng khách quá tải và khách phân bố vô trật tự làm con tàu nghiêng về một bên và nằm ì ở bến mấy ngày, không biết về sau có nhổ neo được không. Trong mấy ngày chộn rộn cuối tháng Ba năm đó, có lần tôi tới nhà người bạn, Lâm thành B., thấy bà vợ đang ngồi chăm chỉ đạp máy may. Hỏi, “Giờ này mà còn ngồi may gì nữa?” Vợ B. giải thích: “May cái địu để cho anh B. đeo thằng cu Bi trước bụng, rảnh hai tay mà leo thang dây lên tàu. Anh không nghe nhiều người bồng con níu thang dây lên tàu, bị người ta lấn, con rớt xuống biển chết trước mắt mà không cứu được hay răng?” Nghe nói thế, tôi sực nhớ thằng con trai non ba tuổi và bà vợ đang mang cái bầu lùm lùm bốn tháng, bèn trở về nhà bảo vợ may gấp cái địu theo kiểu cách của vợ B. Tôi nói, “Mình phải bắt chước vợ chồng B. để anh còn rảnh hai tay mà dắt con Ni, con Na (hai đứa con gái), để cho em rảnh tay với cái bụng bầu mà chạy.”
Xế chiều 28 Tháng Ba, một người quen thân đến thăm, nói chuyện tình hình với tôi và khuyên hãy yên tâm ở lại, chính quyền mới sẽ khoan hồng, có giải pháp hòa giải, đừng di tản, nguy hiểm. Tôi biết anh ta có liên hệ mật thiết với tay dân biểu CS nằm vùng Phan Xuân Huy và cái gọi là lực lượng hòa hợp hòa giải dân tộc theo đóm ăn tàn, nên chỉ trả lời vắn tắt, “Cảm ơn anh, nhưng nhất định tôi sẽ đi.” Trời tối mịt, vừa cơm xong thì người giúp việc nói có người hỏi tôi ngoài ngõ. Té ra Nguyễn Văn Ch., thông dịch viên của O’ Rork, cố vấn hành chánh QK1 mà tôi có mối giao tình với cả hai thầy trò. O’ Rork ở trong Camp Alamos, đầu đường Ðống Ða. Nơi này, cũng như nhiều cơ sở khác của người Mỹ, đều bỏ trống hoàn toàn, làm mồi cho các vụ hôi của. Tôi ngạc nhiên, “Ủa, tôi tưởng O’ Rork phải mang anh theo rồi chứ?” Ch. buồn rầu lắc đầu, cho biết bị kẹt. Ch. rủ tôi chung tiền, mỗi người khoảng 100,000 ngàn, thuệ gọ (ghe) chở gia đình ra ngoài vịnh Ðà Nẵng, sẽ có tàu đón. Nhà Ch. ở khu Tam Tòa, gần biển, chuyện thuê gọ không khó, chỉ kẹt là không đủ tiền. Tôi thấy giải pháp có vẻ phiêu lưu, vì nếu không có tàu nào sẵn lòng vớt thì làm sao? Vả chăng, đã ước hẹn với L. bằng con đường an toàn cho một đại gia đình 20 người, nay sao lại chọn con đường khó đi? Ch. rất buồn khi nghe tôi không hưởng ứng, bởi vì Ch. nghĩ rằng tôi là chỗ đáng tin cậy nhất để chung vụ. Không biết bây giờ anh ở đâu, anh Ch.?
Trong ngày 28 Tháng Ba, tình trạng hỗn loạn ở Ðà Nẵng gia tăng một cách đáng ngại, nào cướp giật, bắn lộn nhau, hôi của những nhà vắng chủ, nhất là nhà của Mỹ kiều. Bước ra đường, mạng người thật mong manh. Cướp giật và nổ súng vô tội vạ. Tình trạng gần như không có chính quyền nữa. Dân chúng hoang mang và lo sợ tột độ. Tôi gọi những chỗ bạn bè quen biết để hỏi tin tức nhưng không có ai trả lời. Quảng sáu giờ chiều, mở radio, nghe đài Phát thanh Ðà Nẵng phát đi bản tin nói rằng Trung Tá Nguyễn Kim Tuấn (nhà văn Duy Lam) được cử làm thị trưởng Ðà Nẵng, Chuẩn tướng Ðiềm được cử làm quân trấn trưởng với nhiệm vụ ổn định an ninh trật tự thành phố. Trong lòng cảm thấy có chút an tâm vì thấy anh Duy Lam còn ở lại, nhưng gọi đi nhiều nơi để thử kiểm chứng nguồn tin thì như đá chìm đáy nước. Lệnh giới nghiêm ban hành, đường sá dần dần vắng vẻ.
 
 alt
24/3/1975 – Dân chúng di tản khỏi Đà Nẵng
 
Ðối diện sở tôi làm việc là Quân Trấn Ðà Nẵng. Tôi thường trông chừng hoạt động bên đó để đoán định tình hình. Ðèn vẫn sáng, lính vẫn còn canh gác, vẫn có người vô ra. Trong sân vẫn có xe M113 tăng cường. Ðêm đó, đang ngủ, tự nhiên tôi thức giấc vì những tiếng động khác thường. Nhìn đồng hồ: non một giờ sáng, đã bước qua ngày 29 Tháng Ba. Ngoài đường người đi lại nườm nượp, xuôi dòng về hướng Cổ Viện Chàm, có lẽ người ta đang tìm về cảng sông Hàn hoặc tìm đường qua Quận 3. Chạy ra cửa sổ, nhìn sang Quân Trấn, hai chiếc thiết vận xa đang nổ máy ầm ĩ và chuyển bánh. Các xe GMC 10 bánh và xe Dodge 4 cũng đang nổ máy, vợ con lính gọi nhau ơi ới, hối thúc lên xe. Tất cả những dấu hiệu khác thường đó cho tôi hiểu là ong vỡ tổ rồi. Tôi thức cả đại gia đình dậy, ai lo tư trang nấy, như đã sắp đặt từ trước, ôm ra xe. Trong sở có hai chiếc xe lớn, thuộc loại SUV ngày nay, là chiếc Ford Bronco và Ford Scout, và một chiếc du lịch hiệu Toyota Crown của sếp. Tôi lấy chiếc Bronco, để chiếc Scout cho gia đình Tr. Còn chiếc Toyota thì tay Ðàn, cận vệ của sếp thừa hưởng. Bởi ngoài ba người chúng tôi ra thì trong sở không có ai biết lái xe nữa mà giành. Tất cả anh em trong cư xá thấy tôi chuẩn bị chạy, cũng hối hả theo, mỗi người tự kiếm lấy phương tiện. Tôi giao cho cô em út chiếc Honda dame, và cô em vợ chiếc Yamaha dame, bảo, “Cô và dì cứ bám theo xe anh mà đi.” Vợ chồng cô em áp út thì đi theo xe của anh ruột chú ấy. Riêng chiếc Bronco nhét đến 16 người, gồm gia đình tôi 7 người và gia đình ông bà nhạc 9 người. Hẳn là hãng Ford không bao giờ nghĩ rằng chiếc Bronco của họ có thể chở đến chừng đó con người ta, trong đó, già nhất là bà ngoại vợ, 81 tuổi và bé nhất là thằng con trai ba tuổi của tôi! Tôi chống cửa sau lên, buộc thêm dây thật chắc làm tay vịn, và lật tấm bửng phía sau, bảo những người trẻ ngồi xây mặt ra sau, nắm lấy dây cho chặt, và cứ thế mà lên đường.
Người ta đi như trẩy hội, đó là người tị nạn trong các điểm tạm trú. Họ không có phương tiện gì khác ngoài đôi chân, thấy người ta đi thì mình ở không đành, và tôi nghĩ rằng có lẽ họ cũng không biết đi đâu. Chỉ trừ con nít, còn ai cũng mang, vác, hay xách một túi hành trang nào đó. Có những cái xách quá nặng, thì hai người cùng khiêng. Nhìn xuống phía bờ sông, trụ sở của cơ quan CORP đang bốc cháy rực trời. Không biết ai phóng hỏa. Chỗ này sau năm 1975, trở thành “Nhà chứng tích tội ác đế quốc Mỹ.” Tôi lái xe theo đường Ðộc lập để qua cầu Trịnh Minh Thế, tìm đường đến trại Chi Lăng của L. với hy vọng sẽ được đáp tàu xuôi Nam một cách an toàn. Càng ngược lên phía Tiên Sa thì tốc độ càng chậm, vì đường chật ních xe cộ và người ta. Tới gần Ngã Ba Sơn Chà, lại xuất hiện đoàn người ngược dòng, có vẻ như là tháo lui. Hỏi ra, là vì họ không tìm thấy tàu bè gì cả. Từ ngã ba này đi vào là căn cứ quân sự, ngày thường, có đến hai trạm gác, không dễ chi vào, nếu không có phép, vậy mà nay tôi lái xe đi ngon ơ, trong bụng đâm nghi. Ðến cổng trại Chi Lăng, cổng mở toang như đời thái bình, chẳng bóng dáng lính tráng chi cả. Tôi đậu xe bên đường, bảo mọi người ngồi trên xe chờ để tôi vào nhà xem thử ra sao. Vừa tính bước đi thì ba tôi (ông nhạc tôi) vỗ vai nói, “Khoan đã, con nên quay đầu xe trước cho sẵn sàng, để khi cần rút lui thì mình khỏi mất thì giờ, lúng túng.” Ðến bây giờ, nhớ lại giây phút đó, tôi vẫn phục ông già vợ thật là bình tĩnh và sáng suốt. Tôi đi thẳng vào nhà riêng của L. thì thấy có miếng giấy nhỏ dán ở cánh cửa, cáo lỗi đã không thể chờ đợi được như đã hẹn. Có lẽ L. không phải chỉ hẹn một mình tôi, và cái thư ngỏ vắn tắt kia cũng không nhằm chỉ gởi cho tôi. Sau này, khi gặp lại nhau trên đất Mỹ, tôi biết L. đã vào được Sàigòn, nhưng không thể đi xa hơn, để chịu số phận xuất ngoại bằng con tàu HO sau khi đã trả giá. Tôi ra xe, nói với ba tôi, “Thằng bạn của con, nó đi rồi. Bây giờ Ba ở đây, để con đi quanh quanh xem có tàu bè gì không.”
Tôi kéo theo chú em rể, vừa đi được một quãng ngắn thì đạn pháo chớp nổ bốn bề. Tôi chạy ngược về phía xe đậu, vừa chạy vừa la, “VC pháo kích, xuống xe, nằm xuống! nằm xuống!” Ðạn nổ ùng oành bốn phía. Tất cả mọi người đều xuống xe và nằm úp mặt xuống lề đường, chỉ trừ bà ngọai và thầy tôi (cha tôi), lúc đó đã 77. Cả hai người già ngồi xuống sàn xe, ôm đầu chịu trận. Cũng may không ai hề hấn gì. Khi đợt pháo kích tạm ngưng, tôi hô mọi người lên xe và quyết định quay về. Hai chiếc xe gắn máy bỏ lại bên đường. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời, tôi phóng xe liều lĩnh như mấy tay lái xe bạt mạng, lạng lách đủ kiểu để cướp đường, tránh mau ra khỏi vùng pháo kích.
Không biết chạy được bao lâu, ba tôi ngồi bên cạnh nói, “Tạm yên rồi, con.” Tôi giảm ga, tấp xe vào bên lề, ông chỉ tay về hướng cũ, nơi vẫn còn thấy ánh chớp và nghe tiếng nổ, nói, “Ở đó còn bị pháo, thiệt mình may mắn quá.”
Nhìn quanh, bây giờ là dòng nước chảy xuôi, nghĩa là người ta không kéo lên hướng Tiên Sa nữa, mà quay trở về. Tôi có cảm tưởng mọi người như đang đi trong một cơn mộng du, trong đó có tôi… Nghỉ một lát, lấy lại bình tĩnh, tôi lên xe, tiếp tục đường về. Qua khỏi Ngã ba Sơn chà thì xe phải chạy số 1, nhích từng bước, như xe đám ma, vì xe cộ và người ta chen chật mặt đường.
Qua khỏi ngã ba một đoạn chừng trên dưới một cây số, dòng xe và người dừng lại, có lẽ nghẽn tắt phía trước. Tôi bỗng nghe tiếng máy xe gầm rú và tiếng người ta thét huyên náo. Ngoái cổ nhìn lui, thiệt là khủng khiếp. Từ xa, hai chiếc xe tăng M48 đang cướp đường để đi, những xe nào không tránh kịp đều bị nó hất tung. Người ta la thét và dạt chạy tán loạn. Nhắm chừng, tôi biết xe tôi đang ở ngay trên lộ trình của chúng, nghĩa là mép đường bên trái. Nghĩ đến thảm cảnh gần hai chục con người ta trong xe sẽ trong chớp mắt làm mồi cho hai con thú điên trong khi xe tôi cũng như các xe khác không thể nhúc nhích tránh vào đâu được, con người tôi tưởng như có thể nổ tung ra. Một mặt tôi hô mọi người xuống xe, cố dạt tránh về bên phải, và thấy lề đường bên trái còn trống trải, xe tăng có thể dạt qua về bên ấy để lấy lối đi, tôi nhảy xuống xe, hướng về chiếc xe tăng lạy như tế sao, cứ lạy vài cái thì tay phải tôi lại ra dấu cho nó dạt ra, tôi làm như máy. miệng thì la, không nhớ là la cái gì, nhưng có lẽ kích động lắm, vì có hai ba người cũng nhảy ra làm như tôi… Có lẽ người lính lái xe tăng cũng còn một chút lương tri nào đó, cũng có thể số phận của đại gia đình chúng tôi và nhiều người khác chưa chết, để ngày hôm nay tôi có thể kể lại giây phút kinh hoàng đó, chiếc xe tăng đi đầu đổi hướng, dẫn theo chiếc xe sau. Tính ra, xích sắt của nó chỉ cách cái xe tôi không hơn một thước! Có lẽ đó là nỗi sợ hãi lớn nhất trong đời mà tôi đã gặp.
Thoát nạn xe tăng, dòng người và xe lại nhích lên từng bước. Còn cách cổng Tổng kho Ðà Nẵng chừng hai trăm thước, chợt nghe tiếng đại liên nổ đùng đùng như đụng trận; cả đoàn dừng lại, dáo dác. Theo hướng tiếng súng, tôi nhận ra hai chiếc thiết vận xa M113 đang nổ súng phá cửa của hai nhà kho lớn nằm quay mặt ra đường. Cửa sập, mạnh ai nấy chạy vào hôi của, dân có, lính có. Tôi nghĩ phải là người địa phương, vì chỉ địa phương mới có đủ bình tĩnh mà làm thế chứ dân chạy loạn thì còn lòng dạ đâu nữa. Không biết là hàng hóa gì, chỉ thấy người ta ôm ra từng két giấy, người một thùng, người hai thùng. Tôi nghĩ giá như vào lúc đó họ có phép hóa ba đầu sáu tay, chắc sướng lắm. Không biết là món hàng gì nhưng thấy có mấy cặp đang hung hăng giành nhau. Cặp thì đánh lộn nhau, cặp thì rượt nhau, người không lấy được cầm súng rượt người lấy được, nổ lên trời loạn xạ. Vượt qua khỏi khu vực Tổng kho thì tốc độ di chuyển gia tăng lên được một chút, chừng non mười cây số/giờ. Có lúc dừng lại, nhác thấy ở mé đường bên phải có Nguyễn Công L., tốt nghiệp ở Mỹ, làm việc cho Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Ðà Nẵng. L. hỏi tôi, “Sao? Cũng về à?” Tôi gật đầu và đưa tay cứa ngang cổ, ra dấu chấp nhận cái chết.
Có những lúc xe chạy chậm quá, ngồi trên xe ngột ngạt, mấy cô em vợ và bà xã tôi xuống xe đi bộ, nghe thoải mái hơn, bởi nhiều người cũng làm thế. Hai người lớn tuổi nhất trên xe là bà ngọai vợ và thầy tôi. Ông cụ bị huyết áp. Vì vậy, cứ một lúc, tôi phải xem chừng và hỏi thăm sức khỏe. Ðến lúc thấy câu trả lời của ông cụ có vẻ yếu ớt và sắc mặt đỏ hồng, tôi biết là không xong và giận mình quên không chuẩn bị thuốc hạ huyết áp.
Chỉ còn chừng năm chục thước nữa là qua khỏi cầu mới – chiếc cầu song song với cầu Trịnh Minh Thế, do công binh Mỹ xây – thì xe tắt máy. Tưởng là hết xăng, té ra không phải, overheat! Khói tỏa ra ở đầu máy khét lẹt. Tôi hô mấy cô em vợ và hai người giúp việc xuống đẩy xe để cho tôi lái qua khỏi cầu. Ở chân cầu bên phải là bãi ủi của tàu LST, vô số lính TQLC chạy tới chạy lui, và không biết xăng ở đâu mà đổ lênh láng ra thấu ngoài đường! Thật là phép lạ, không có ai hút thuốc.
Vừa quẹo phải đường Triệu Nữ Vương một đoạn ngắn thì chiếc xe chịu chết. Một cây cột điện bị xe ủi sập (?)nằm chắn ngang đường, y như một cây cản bằng bê tông. Lề đường sát ngay hàng rào nhà người ta, không nhúc nhích vào đâu được. Ðang phân vân tính kế thì một đoàn người và xe của TQLC ào ào đi tới. Thấy chiếc xe tôi cản đường, nhiều tiếng chửi thề vang lên. Có ông nào đó nóng nảy la lên, “bắn mẹ nó đi, mà đi.” Tôi nói, “Mấy anh bắn tôi thì có được ích chi. Chi bằng mỗi anh xúm vô một tay, nhấc bổng cái xe tôi qua khỏi cây cột điện, tôi tấp vào lề là mấy anh có đường đi ngay.” Có tiếng hô, “Phải đó, dô tụi bây!” Lập tức, chiếc Bronco của tôi được đưa qua khỏi cái cột điện như có phép Tề Thiên. Ðang đứng chùi mồ hôi trán, tính kế làm sao về đến nhà kịp thời để cứu ông cụ đây, thì chợt thấy cách chừng hai chục thước, có người đang loay hoay bên một chiếc Dodge 4 đang đậu trong sân. Tôi chạy vội đến làm quen:
“Anh ơi, anh sắp sửa đi đâu phải không?”
Phải, tôi sắp đưa gia đình về lại nhà ở Thạch Thang. Chạy không được thì về nhà, tính sau, chứ đi thế này nguy hiểm lắm, vợ con đùm đề. Tôi vừa ghé vô đây để xin nước đổ xe thì cây cột điện bị xe M113 ủi sập, may quá.
“Tôi cũng như anh, chạy không được phải về, nhưng giờ xe bị cháy máy. Thuận đường về, anh kéo giúp cho xe tôi đến trước Quân Trấn được không?”
“Ðược được, chuyện dễ mà, nhưng tôi không có dây kéo.”
“Ðể tôi đi kiếm.”
Nói thế chứ cũng không biết kiếm đâu. Vừa may, chợt thấy bên kia đường một cái dù, loại dù thả tiếp liệu, đang nằm vắt nửa trên vỉa hè, nửa dưới lề đường. Chạy băng qua đường, rút con dao xếp ba lưỡi bén ngót trong túi ra, tôi cắt ngay một sợi dây đai mang về. Cũng may là tôi thủ sẵn con dao để phòng lúc cần dùng khi chạy loạn nên mới có cái để mà cắt loại dây này, chứ lấy răng mà cắn cũng không dễ chi đứt sợi dây dù, huống là loại dây đai to bản. Vừa chạy băng qua đường tôi vừa la:
“Có dây rồi!”
“Ðâu? đâu? A, được đó. Xe anh ở đâu?”
“Nằm chết kia kìa. Anh làm ơn de xe anh lui gần xe tôi thì mới cột dây được.”
Xe chạy đến gần Cổ Viện Chàm thì phải nép bên đường bởi ở phía đường Ðộc Lập có bốn năm chiếc xe cắm cờ xanh đỏ của MTGPMN và cờ đỏ sao vàng, chất đầy thanh niên nam nữ, đang ào ào chạy tới, với tiếng loa oang oang. Lắng nghe, thì biết đây là thành phần “nhân dân khởi nghĩa,” họ đang kêu gọi dân chúng treo cờ “Mặt trận” để đón “bộ đội giải phóng” và yêu cầu “ngụy quân” buông súng, đem súng nạp cho “cách mạng.” Toàn cả chữ nghe lạ tai. Một người bên đường tỏ ra thông thạo, “Họ về tới Ðò Xu rồi, mấy xe đó đi đón bộ đội giải phóng đó.” Khi quyết định trở về và chấp nhận mọi hậu quả của nó, tôi thấy lòng bình tĩnh lạ thường, nên khi thấy, nghe những điều như thế, tôi chẳng thấy xúc động chút nào, xem như việc phải thế. Hình như tâm lý đang ở trạng thái bão hòa; có lẽ khi cái động đã lên đến cùng cực thì biến thành cái tĩnh.
Mười phút sau thì xe về đến nhà. Bấy giờ mới kịp nhìn kỹ ân nhân: một trung sĩ, trạc tuổi tôi. Tôi hỏi tên và hỏi nhà để sau này tới thăm cảm ơn, nhưng anh ta xua tay, “Giúp chút chút vậy thôi, có gì đâu mà anh cảm ơn,” rồi cười, lên xe phóng đi mất. Ông cụ tôi gần như bất tỉnh, chỉ còn thở thoi thóp, hỏi không nói, gọi không trả lời. Trong cứ xá, anh em nhân viên chạy không được cũng lục tục trở về trước cả tôi nữa… Hai ba người chạy ra giúp tôi đưa ông cụ vào nhà. Vừa may Bác Sĩ Tôn Thất S., y sĩ của Liên Ðoàn 8 CB, vốn là bạn mà cũng là hàng xóm gần gũi, chạy không lọt cũng vừa về tới nơi. Ông cụ tôi đã được cấp cứu kịp thời. Tính ra, chúng tôi đã mất 11 tiếng đồng hồ để đi từ ngã tư Ðộc Lập/Thống Nhất qua đến Tiên Sa rồi trở về, một lộ trình chỉ dài chừng 20km đi về, mà nghe thăm thẳm âu lo và kinh hoàng.
Thấy ông cụ nằm ngủ bình yên, và trong nhà, nam phụ lão ấu tuy mệt nhưng an toàn, tôi tôi khoan khoái đốt một điếu thuốc ngồi thở khói, lòng thanh thản lạ thường, không cần biết cái gì sẽ đến với mình, với gia đình mình, có thể lát nữa đây hay ngày mai. Cửa mở, anh Thôi, người tài xế của sở, có nhà ở Thanh Khê, vào nhà, hốt hoảng nói với tôi, “Họ vô tới Thanh Khê rồi, tui lấy xe đạp vô đây coi ông đã đi được chưa. Giờ ông tính sao?” Tôi cười, “Tính rồi mà không được nên mới ngồi đây chớ. Thôi, từ giờ trở đi hết ông rồi, đừng kêu ông nữa nghe. Anh mà còn kêu ông là anh hại tôi đó!” Anh Thôi nhăn mặt, “Ông nói chi tội tui rứa!” Xin lỗi anh Thôi, cuốn sách đời của chúng ta dày hay mỏng, có khi hay hoặc có khi dở, tùy phận người, và dù muốn dù không, có lúc chúng ta cũng phải dở qua trang khác.

Võ Hương An
Chín nén nhang cho gia đình Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh
Cuối tháng Tư năm nay, ba mươi năm sau ngày Sàigòn sụp đổ. Đối với tôi, ở tuổi 11 vào năm 1975, tôi còn nhỏ. Xã hội quanh tôi cũng nhỏ: gia đình, vài đứa bạn tiểu họ
           

Hà Nhân
(Bút ký của Nguyễn Hà Tường Anh)
 alt
Cuối tháng Tư năm nay, ba mươi năm sau ngày Sàigòn sụp đổ. Đối với tôi, ở tuổi 11 vào năm 1975, tôi còn nhỏ. Xã hội quanh tôi cũng nhỏ: gia đình, vài đứa bạn tiểu học, hàng quán quanh nhà, chợ Ông Tạ, nhà thờ An Lạc, nhà thờ Nam Thái, trường Bắc Hải… Vậy thôi! Thế nhưng cái xã hội nhỏ và đơn giản của tôi phải mang một dấu ấn sắc, nhọn, nhầy nhụa, dã man. Ba mươi năm sau “ngày ấy”, tôi viết lại câu chuyện này để một lần nhìn vào dấu sẹo trong tâm hồn mình. Viết để lý giải về nó một cách bình tĩnh và trưởng thành hơn. Viết để nói với những người đã đem đến cho tôi kinh nghiệm kinh khủng đó. Nói chung, viết là lối giải tỏa tâm lý ẩn ức của người viết.
Ngày 30/4/1975, lời tuyên bố đầu hàng đã truyền đi. Lá cờ tai họa đã bay trên Dinh Độc Lập. Bố tôi từ Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị về nhà. Mắt ông đỏ tia máu. Trước nhà tôi, những người lính cởi trần ngồi lề đường khóc. Họ chửi rủa rằng họ bị phản bội, bị bỏ rơi. Họ nói đến chuyện tự tử để không thẹn với hồn thiêng sông núi. Có cái gì đó khủng  khiếp khi những người đàn ông khóc. Hàng xóm súm lại an ủi họ.
Trời chang chang nắng đổ. Súng ống quân phục đầy đường từ Ngã Tư Bẩy Hiền vào Lê Văn Duyệt. Tiếng súng do bọn thanh thiếu niên hoang loạn bắn từ vũ khí vương vãi trên hè phố nổ rền suốt mấy giờ liền. Đến khoảng 2 giờ chiều chỉ còn lác đác tiếng súng ở xa. Nỗi hoang mang tiếp tục gia tăng khi người ta bắt đầu nhìn thấy những người lính miền Bắc đeo ba-lô, đi dép râu, mặt mũi lơ láo, lạ lẫm bắt đầu đi vào con đường hẻm. Bất thình lình, trong cái oi bức, ngột ngạt của không gian, trong cái căng thẳng kinh hoàng của đầu óc, có những tiếng súng nhỏ vang lên trong một căn nhà.
Những tiếng súng ấy nhỏ và không vội vã như người ta bắn qua lại  khi giao tranh. Những tiếng súng ấy bình tĩnh, cách nhau đều đặn. Chúng vang lên một cách chắc chắn, chắc chắn như quyết định của người nổ súng. Đó chính là tiếng súng mà Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh đã nổ để kết liễu mạng sống của cả gia đình gồm vợ với bảy người con và chính bản thân ông.
Tôi nhớ, trước đó, khoảng cuối năm 1974, Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh bán căn nhà trong Cư Xá Sĩ Quan Bắc Hải và dọn về ngôi nhà nhỏ xinh cách nhà tôi khoảng mười căn. Ngôi nhà màu xanh lá cây, cổng gạch trắng, không có garage đậu xe, mang số 98/39 đường Phạm Hồng Thái, Gia Định, thuộc Ấp Hòa Bình, quận Tân Bình. Đường hẻm lớn này thường được gọi là Hẻm Con Mắt, Khu Ông Tạ. Ngôi nhà nay là 98/39 Cách Mạng Tháng Tám, quận 5, Tân Bình.
Trung Tá Vĩnh thường mang xe sang gởi  tại sân nhà ông Năm Châu xế cửa. Đó cũng là nơi tôi nhìn thấy Trung Tá lần cuối khi ông còn sống.
Bà Trung Tá Vĩnh tên tục là Trần Ánh Nguyệt, chị kế của phu nhân lão thi sĩ Hà Thượng Nhân. Ông bà từng làm chủ một nhà in. Ông tốt nghiệp khóa 3 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức năm 1953. Năm 1954, theo vận nước, ông bà Vĩnh vào Sài Gòn.
Ông bà có tất cả bảy người con. Người con cả, anh Đặng Trần Vinh, sinh năm 1948. Hai cô con gái út là một cặp sinh đôi, khoảng 15 tuổi vào năm 1975.
Trung Tá Vĩnh tùng sự tại Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu và sang làm việc tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia từ cuối thập niên 1960. Theo thi lão Hà Thượng Nhân, ông Vĩnh là người rất hiền từ. Một số quí vi đã có dịp làm việc với ông Vĩnh cũng đồng ý như vậy. Theo các vị này, ông Vĩnh không hề cau có, cãi cọ với ai bao giờ. Ông điềm tĩnh và nhân hậu.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, ông Vĩnh lúc ấy 56 tuổi mà còn phong độ. gặp bố tôi, ông trao đổi một vài câu chuyện với giọng thật hiền hòa, thân thiện. Anh Vinh, con ông lúc ấy 27 tuổi. Hai cô em gái sinh đôi của anh thường đùa nghịch cười rúc rich. Họ đồng tuổi với chị Trang của tôi. Da trắng, tóc dài, đen nhánh, buộc bằng nơ đỏ và xanh dương.
Âm thanh và hình ảnh của gia đình Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh, nếu chỉ có thể trong tôi, đã không trở thành ký ức kinh hoàng. Ký ức đó chỉ một thời gian ngắn sau, đã bằng những tiếng súng chuyển thành kinh hoàng.
Bố tôi nói buổi trưa ngày 30/4/1975, khi nghe tiếng súng: “Chắc bác Vĩnh tự tử rồi!”. Mắt ông vẫn đỏ tia máu. Tôi dư biết ông có khẩu súng lục và một trái lưu đạn trong ngăn kéo trên lầu. Bố tôi không nói gì nữa. Ông ngồi đó mà không ăn trưa, hai mắt lừ lừ.
Tôi không tin lời bố tôi nói. Một đứa 11 tuổi chưa đủ khả năng để lượng định những áp lực tinh thần đang đè nặng trên vai kẻ sĩ trong lúc đất nước rơi vào tay giặc. Thật sự, dù có tin, tôi cũng không nghĩ đến cái chết của người khác vào lúc đó. Nhưng tôi sợ cái chết của bác Vĩnh và cả nhà sẽ khiến bố tôi quyết định cùng gia đình chọn cái chết hơn là sống với chế độ Cộng Sản.
Mẹ tôi lo ngại, lén lấy súng lục và lựu đạn của bố gói trong bao vải ném xuống kinh Nhiêu Lộc. Mẹ tôi chỉ nói ngắn gọn với bố: “Anh muốn làm gì cũng phải bàn với cả nhà, nhất là với mẹ, người sinh ra anh trên đời này”. Bà tôi thấy vậy cũng sợ, bắt chúng tôi bốn đứa âm thầm thay phiên nhau canh chừng bố. May thay sau đó bố tôi đã thoát được những ám ảnh từ gia đình bác Vĩnh.
Những tiếng súng trong căn nhà Trung Tá Vĩnh vang lên như vậy rồi lặng đi. Mãi đến ngày hôm sau, hàng xóm mới phá cửa vào nhà. Tôi chạy theo, hối hả chen vào, để rồi chết lặng khi thấy mình đứng cách những xác chết không đầy một thước. Bố tôi nói không sai. Gia đình bác Vĩnh tự tử thật. Ngoài phòng khách, bác treo bộ quân phục đại lễ oai nghi. Nơi trong phòng, quạt máy trên trần vẫn chạy. Những tấm nệm lấy từ trên lầu xuống được xếp ngay ngắn. Xác của bảy người con bác Vĩnh cũng ngay ngắn. Họ nằm cạnh nhau trên nệm, đầu quay ra cửa. Anh Vinh lớn nhất nằm phía ngoài cùng, bên phải. Hai cô gái sinh đôi nằm ngoài cùng bên trái. Bác Vĩnh gái nằm quay ngang dưới chân các con. Mỗi người có một vết đạn duy nhất ở thái dương. Những vũng máu đông đặc. Bác Vĩnh trai nằm trong tư thế như không được ai sắp xếp cho.
Từ nơi tôi đứng có thể nhìn thấy bàn ăn. Thức ăn còn đầy trong đĩa, trong bát. Những ly nước trên bàn còn một nửa. Mỗi ly đều có một lớp đầy cặn màu trắng. Bác Vĩnh có để lại một lá thư cho ông Đặng Sĩ Toản, anh trai của bác. Trong một lá thư ngắn khác, bác có lời xin lỗi hàng xóm vì quyết định của gia đình bác có thể làm phiền lòng họ. Bác còn xin họ giúp báo tin cho thân nhân của bác để lo chôn cất. Bác cho biết bác còn một ít tiền để trong ngăn kéo. 
Ngay buổi tối hôm bác Vĩnh cùng gia đình ra đi, bọn du thủ du thực trong ấp đã cạy cửa vào lục lọi khắp trong nhà bác và lấy hết tiền bạc cùng những gì chúng tìm thấy trước khi thân nhân đến nơi.
Hàng xóm đã làm theo lời bác yêu cầu. Họ báo với ông Đặng Sĩ Toản. Ông Toản báo với bà Hà Thượng Nhân. Chính bà Hà Thượng Nhân đã cùng chị là bà Chấn, chị dâu là bà Tâm, em gái là bà Viên, làm tang lễ vội vàng tiễn đưa gia đình bác Vĩnh ra nghĩa trang Chí Hòa ngày hôm sau.
Quanh xóm tôi, người ta đoán gia đình bác Vĩnh đã uống thuốc ngủ hoặc một chất độc vì nhìn thấy nhiều cặn màu trắng trong những ly nước. Người ta đoán bác Vĩnh là người cuối cùng ra khỏi cuộc đời vì xác bác nằm không ngay ngắn.
Còn tôi, tôi lạnh người trong nhiều năm mường tượng về giây phút cuối cùng của gia đình bác Vĩnh. Tôi thắc mắc đủ điều. Ai là người xướng ra đề nghị cả gia đình cùng tuẫn tiết? Tôi cứ cho rằng chỉ có thể là bác Vĩnh hay anh Vinh. Nhưng bác Vĩnh hay anh Vinh? Người hiền như bác Vĩnh sao đi đến quyết định như vậy? Bác Vĩnh hay anh Vinh có bàn thảo với bác Vĩnh gái trước không? Có nói gì với những người còn lại trong gia đình không? Nói thế nào? Nếu có nói, làm sao có thể thuyết phục người khác cùng chết với mình? Thuyết phục bằng nỗi sợ Cộng Sản? Thuyết phục bằng tình gia đình sống chết có nhau? Thuyết phục bằng lý tưởng không đội trời chung với Cộng Sản? Nếu bác Vĩnh là người ra đi cuối cùng, bác nghĩ gì vào giây phút ấy?
Sau này, người ta lấy nhà bác Vĩnh làm hợp tác xã, rồi phường đội, v.v… Những ai ngủ tại đó không bao giờ dám tắt đèn. Tôi nghĩ bác Vĩnh hiền thế, dọa họ làm chi. Tôi lại ước bác Vĩnh hay các anh chị con bác trở lại thế gian này khóc lóc như những vong hồn thác oan. Với riêng tôi, nếu có thể, hình ảnh gia đình bác không ám ảnh tôi. Thì ít nhất họ cũng thường tình: chết mà không muốn chết nên hiện về phá phách. Nhưng không, chẳng có ai hiện về.  Chín thành viên gia đình bác Vĩnh tự tử mà như bằng lòng với chọn lựa của mình. Họ chết cái chết can đảm và chính trực.
Nhưng tại sao người chính trực phải chết thảm cả gia đình? Tiếng súng của gia đình bác Vĩnh từ đó cho tôi cái nhìn trần tục hơn về xã hội chung quanh. Lý giải về người hiền người ác không chỉ có trong cổ tích trời giúp kẻ hiền lương. Nếu trời luôn giúp kẻ hiền, sao cả gia đình bác Vĩnh chỉ còn một đường chết? Niềm tin của tôi không có chỗ dựa vững chãi: Thượng Đế tạo ra con gà, con thỏ xinh xinh, rồi lại tạo ra con cọp, con cáo làm gì? Tôi xét đoán về người đối diện một cách dè dặt hơn, bởi có ai đoán nổi quyết định của bác Vĩnh? Bác Vĩnh hiền còn dám thế, người hung hãn sẽ bán cả trời khi uất hận!
Tôi gõ cửa nhà ông bà Hà Thượng Nhân tìm một giải tỏa cho nỗi ám ảnh của mình. Tôi viết như viết tâm sự của mình khi kể lại chuyện thương tâm của gia đình Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh. Hình ảnh anh Vinh và hai chị sinh đôi cùng bốn anh chị em còn lại mặt trắng bệch, mắt nhắm nghiền, máu chảy thành vũng từ thái dương, tóc bay lơ thơ dưới quạt trần, từ nay xin là những đau thương của quá khứ. Chính từ những đau thương ấy, xin cho hiện tại được chăm chút trân trọng hơn. Xin cho tương lai được  coi là quan trọng hơn hết khi kính mến những hy sinh, khổ sầu của người đã chết vì vận nước.
Xin thắp một nén nhang cho mỗi người trong gia đình Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh. Xin gửi lời người đã  khuất cầu nguyện cho đất nước, và cho chính tôi được nhẹ nhàng.
NGUYỄN HÀ TƯỜNG ANH
 
 alt
Lễ Tưởng Niệm 40 Năm Tháng 3 Gẫy Súng và
Hội Ngộ Quân dân Cán Chính VNCH và Quân Đội Đồng Minh.
 
Bài của Chiến Hữu Trang Sĩ Thành (Địa Phương Quân TK. Hậu Nghĩa).
 
            Từ khi liều mạng vượt biển qua đến Mỹ cũng đã được 27 năm, nhưng phải nói đây là lần đầu tiên có một số chiến hữu  thuộc  một số đơn vị  của VNCH  góp tay nhau tổ chức  một Lễ Tưởng Niệm cho những anh em và bạn Đồng Minh như Mỹ, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Phi Luât Tân, Úc, Trung Hoa Quốc Gia, Thái Lan ... đã hy sinh trong việc bảo vệ Miền Nam trước sự xâm lăng của Cộng Sản, hay nói một cách  khác phải chờ  đến 40 năm sau  tính từ ngày mất nước đến nay mới được có cuộc lễ Tưởng Niệm tự phát  này .
            Rêng chúng tôi tuy  có quân số đông  hàng nhứt nhì trong QLVNCH nhưng thuộc thành phần lính địa phương  có tên là Địa Phương Quân  thì ít được ai biết hay nhắc đến nhiều có lẽ một phần bộ quân phục của chúng tôi  có vẻ hiền hòa, chỉ có 1 màu lá xanh cây rừng, so với anh em chiến hữu trong các đơn vị Tổng Trừ Bị như Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Không Quân, Hải Quân ... đều có những bộ quân phục  trông vừa đẹp vừa dữ dằn hơn  lính "ông Địa" chúng tôi, nhưng  khi qua đây  dần dà thì tôi cũng hiểu đã là người lính VNCH thì lính nào cũng được đồng bào  Miền Nam  thân qúi,  tất cả các chiến sĩ VNCH  đều là những chiến sĩ can trưởng mỗi  đơn vị  đều có những thành tích  hào hùng trong việc giữ nước và bảo vệ nước, do đó khi lính  đi đến đâu thì dân theo đến đón , ngược lại  mấy ông "gỉai phóng" Việt Cộng  tiến đến đâu thì bà con bỏ chạy đến đó, không tin qúi ông bà cứ  nghe chuyện hay xem hình ảnh Đại Lộ Kinh Hòang  ngòai  Qủang trị năm 1972  thì biết, chính vì đồng bào bỏ chạy quân "gỉai phóng" theo "Mỹ Nguỵ" mà  bị giết chết thê thảm...
            Anh em Địa Phương Quân, hay Nghĩa Quân  chúng tôi nếu có  người nào đứng ra tổ chức  Hội Đòan như các binh chủng  khác nêu trên thì chắc cũng  không đến nỗi nào, nhưng rất tiếc  cho đến nay  vẫn chưa có  một Hội Đòan nào của anh em  ĐPQ Hay Nghĩa Quân  được ghi nhận, tuy vậy anh em  ĐPQ hay NQ  cũng không bao giờ vắng mặt trong các sinh họat Cộng Đồng hay Đòan Thể tuy mang tính cách cá nhân, thân hữu, do đó hôm nay tôi viết  đôi  hàng để khen ngợi sự dấn thân của một số anh em trong QLVNCH  đã  chung nhau làm lễ Tưởng Niệm 40 Năm Tháng 3 Gẫy Súng và Hội Ngộ  chiến Sĩ VNCH với Quân Đội Đồng Minh.
            Tôi cũng không quên cám ơn anh Trưởng Ban Tổ Chức Phạm Hòa, là  quân nhân của  Nha-Kỹ Thuật và anh em trong các quân binh chủng VNCH  đã  tự đứng ra  thực hiện  Đại Lễ Tưởng Niệm  40 Năm Tháng 3 Gẫy Súng và Hội Ngộ Việt-Mỹ, và qua các trang  mạng internet, cũng như được sự tiếp tay của Truyền thanh, truyền hình  và báo chí   cũng như  qua cuộc phỏng vấn của  các sinh viên trường Đại Học Harvard với anh Trưởng Ban Tổ Chức    ai cũng biết tin này  một cách khá rộng rãi ở khắp nơi  cũng như  đã  được sự hoan nghênh  và ủng hộ  xa gần từ dân đến quân VNCH.
            Xin gặp mặt   các chiến hữu và  bà con trong  ngày Lễ Tưởng Niệm 40 và Hội Ngộ vào cuối tuần này  28 và 29 tháng 3 năm 2015 tại Tượng Đải Việt-Mỹ và nhà Hàng Hòang Sa (Paracell).
 
Phủ Hay Không... Phủ Cờ Vàng ? 
AET. Phan Anh Tuấn (WA)                                                                                                                            
 
            Tại sao viết bài nầy? Vì các cựu Quân Cán Chính VNCH – tức những người từng một thời phục vụ dưới lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - Quốc Kỳ VNCH sống lưu vong ở hải ngoại nay hầu hết đang ở tuổi “cận địa viễn thiên”, có người đã từ trần trong âm thầm, có người trên nấp hòm được phủ Cờ Vàng với lễ nghi trọng thể…
            Ở hải ngoại Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ (gọi tắt là Cờ Vàng để phân biệt Cờ Đỏ Sao Vàng của Việt Cộng, có hai ý nghĩa:
1/ Được NVTN Quốc Gia chống Cộng tiếp tục tôn kính là QUỐC KỲ VNCH như trước ngày 30-4-1975.
2/ Được Chánh Quyền xứ tạm dung (đặc biệt là ở Hoa Kỳ) thừa nhận và tôn trọng là “BIỂU TƯỢNG của Cộng             Đồng Người Việt Tỷ Nạn Cộng Sản” bằng các Nghị Quyết.
Trong ý nghĩa thứ nhất, Cờ Vàng - Quốc Kỳ VNCH đã lâm vào 2 trường hợp không thể chấp nhận:
       -  Cố ý nhục mạ bởi Nhật báo Người Việt Nam California.
Nhật báo Người Việt Nam Cali đăng tải bài vỡ, hình ảnh hạ nhục Cờ Vàng, chế độ và Quân Dân Cán Chính VNCH với đầy đủ bằng chứng. Theo ông DL Hà Tiến Nhất , hành động nầy đã mặc nhiên tạo nên lằn ranh Quốc Cộng qua con đường Moran, Little Saigon, Westminster City - California, giữa nhật báo Người Việt ở cuối đường bên số lẻ và Tuần báo Saigon Nhỏ ở gần đầu đường bên số chẵn.
            Suốt bao năm qua, nhật báo Người Việt vẫn treo lá Cờ Vàng trước tòa soạn mà  đối với họ, lá Cờ Vàng chỉ là “lá bùa hay bình phong" chính trị VÀNG VỎ ĐỎ LÒNG nhằm lừa bịp NV Tỵ Nạn – Quốc Gia nhẹ dạ, dễ tin. Nhưng nay mọi người đã…sáng mắt!
            Trong khi đó, tại Seattle Tb Washington…, việc phủ Cờ Vàng cho người quá cố, trớ trêu thay lại là hành động:
- Vô tình bôi bác bởi Đội Quân Nhị Tỳ (Lính Nhà Đòn Mỹ giấy).
            Tại Tiểu bang Washington, một đám LÍNH Giả (Lính Nhà Đòn, Lính Nhị Tỳ - Mỹ giấy) "mang hia đội mão, lon lá cấp bực, quân phục..,chợ trời", gọi là LÍNH PHƯỜNG TUỒNG made in USA, làm lễ phủ Cờ Vàng cho một cựu sĩ quan VNCH chết già…90 tuổi thì thử hỏi: Có phải vô tình đám Lính Nhị Tỳ Mỹ giấy nầy mang Cờ Vàng ra bôi bác không?
             Trong hình cuối bài là Cựu Thiếu tá CSQG PHAN RANG, sau 39 năm tự "móc lon” Trung tá thuộc Lữ Đoàn Nhị Tỳ II USA – VSC, đang đọc tiểu sử cố Thiếu tá Nguyễn Văn Phúc. Xếp của ông già 80 tuổi Phan Rang tức Lữ Đoàn Trưởng Nhị Tỳ II USA – VSC là …Chuẩn tướng Dương Văn Sáu,- một cựu TSQ Trung tá BĐQ/VNCH nổi danh đánh VC trên chiến trường, nay chuyển sang chỉ huy hành quân nơi…nghĩa địa!
            Được biết ông Phan Rang  trước đây “phục vụ” Lữ Đoàn Nhị Tỳ USV- JSC của Đại tá Nhị Tỳ Trần Phước Bền (Xếp là Thiếu tướng Nhị Tỳ Nguyễn Văn Tạo – Arizona).
Cả hai tổ chức USV- JSC và USA – VSC đều là sản phẩm của các cựu chiến binh Mỹ (US Veterans) làm công tác nhà đòn với lon tự móc để vinh danh lẫn nhau khi nằm xuống.
TẠI SAO KHÔNG NÊN PHỦ CỜ VÀNG ?
            Lý do được sáng tỏ qua ba trường hợp từ trần của ba vị cựu Tướng lãnh VNCH lưu vong hải ngoại. Cả ba vị đã để di chúc KHÔNG PHỦ CỜ VÀNG TRÊN LINH CỮU.
             Đó là các cựu Chuẩn Tướng LÊ QUANG LƯỠNG, Tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, Chuẩn Tướng  LÝ BÁ HỶ, Tư lệnh phó Biệt Khu Thủ Đô và Trung Tướng ĐỒNG VĂN KHUYÊN, Tổng cục trưởng TC Tiếp Vận.
            Đơn giản là vì SỰ TÔN KÍNH Cờ Vàng LÒNG TỰ TRỌNG của các vị Tướng. Sống lưu vong hải ngoại và khi chết, họ không chết vì ĐẤT NƯỚC VNCH nên họ không thể có vinh dự được phủ lên linh cữu lá CỜ VÀNG - QUỐC KỲ VIỆT NAM CỘNG HÒA.
            Ngược lại, có không ít người từng góp phần trăm, phần ngàn hay phần triệu...tội làm MẤT NƯỚC, ra hải ngoại, rồi chết… già, chết bịnh, chết vì nước...alcohol (như nhậu xỉn trúng gió!), chết…tai nạn (như xe đụng) lại được …phủ Cờ Vàng trên linh cữu! Thật hết sức…vô lý và khôi hài!
             KẾT LUẬN. Để Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ – Quốc Kỳ VNCH mãi mãi được tôn kính, xin đề nghị:
1/Người sẽ chết (ai mà không chết?) nên dặn dò hoặc để lại di chúc không phủ Cờ Vàng.
2/ Tang quyến cương quyết từ chối việc phủ Cờ Vàng lên linh cữu cho dù có di chúc của người quá cố hoặc theo... ý kiến người ngoài.
3/ Các tổ chức Hội Đoàn hãy dẹp bỏ “dịch vụ” phủ Cờ Vàng cho người chết thuộc phe mình mà sau đó họ xem đây là..một ”thành tích” hoạt động để báo cáo trong tiệc mừng cuối năm!
4/ Quý vị gốc Việt thuộc hai tổ chức USV- JSC (United States Volunteers - Joint Services Command)  USA    – VSC (United States American - Volunteers Support Command) tức hai Đội Quân Nhị Tỳ Mỹ giấy - Lính Nhà Đòn Lon Tự Móc hãy "buông tha" Cờ Vàng VNCH, trở về với...Cờ Mỹ mà hai tổ chức của quý vị được thành lập dưới lá cờ nầy nhằm "phục vụ cho người phục vụ" tức phục vụ cho cựu chiến binh Mỹ (US Veterans). 
 
Trân trọng,
 
Lời Bàn  Của Làng câu AET: Cái may mắn của người Việt Tị Nạn là đang được sống ở một nước tự do như Hoa-Kỳ, hay các nước  tư bản khác,  nơi đó mọi ý-kiến  thuận nghịch của người phát biểu đều được tôn trọng cũng như được bảo vệ bởi Hiến Pháp Hoa-Kỳ , tuy nhiên  chỉ khi nào  chúng ta đứng trong hòan cảnh thì mới rõ  hơn ai hết, hay chui trong chăn mới biết chăn có rận... riêng  những  đồng bào chúng ta  ai  theo Phật Giáo thì cũng đã từng  nghe chuyện  về Phật Bà Quan Âm Thị Kính với Thị Mầu, để tránh tội nghiệp...  và Làng Câu AET cũng  mong nhận được thêm nhiều ý-kiến khác cho rộng rãi hơn. Xin chân thành  cám ơn  anh Phan Anh Tuấn  qua bài viết khá  gây  cảm xúc của Huynh.
 
- - - - -
 

alt
 
 
Xin Chú-Ý:
Sáng nay đọc báo Mỹ thấy  loan tin  có nhiều rắn độc  Rung Chuông ( Rattlesnake)  xuất hiện hơi sớm hơn mọi năm  tại nhiều nơi có khi hậu  khô nóng tại Mỹ, trong đó có California , có lẽ mùa đông năm nay  có một số  Tiểu bang mà mùa đông không được dài và cũng ít lạnh hơn  so với các tiểu bang Miền Đông Bắc Hoa-Kỳ đang khốn khổ vì  tuyết và lạnh cóng hiện nay.
Và theo thống kê của  Hoa-Kỳ  cho biết mỗi năm tại Mỹ có khỏang 8 ngàn người bị rắn độc cắn chết do đó Làng Câu AET  xin  nhắc nhở anh em  và bà con  vui lòng  để ý đề phòng nếu gia đình  có đi cắm trại, hay đi  leo núi, hoặc field-trip  nếu thấy rắn  thì nên tránh xa, riêng con rắn Rung Chuông nọc rất độc  có thể gây tử vong cho người bị cắn nếu không kịp thời đến nhà thương  cứu chữa, và rắn rung chuông có  đặc điềm đáng sợ là  chúng có thể  nhòai người ra xa  , khỏang cách bằng 1/2 chiều dài của chúng  một cách nhanh như chớp  để tấn công  và cắn người cũng như  những con vật  xấu số gần chúng.
 
 

alt
 
 alt

NT. Đại tá Vũ Văn Lộc (San Jose)  
 
Than gui quy anh chi em
Da nhan duoc nhung loi khich le het suc cam dong
Xin chan thanh cam ta
Xin cho dia chi de gui sach
va se lien lac sau
Vu van Loc
Giao Chi San Jose
 
LTT. Xin chân thành cám ơn   sự phúc đáp  ấm lòng của Niên Trưởng, Làng Câu AET xin kính chúc Niên Trưởng dồi dào sức khoẻ và thành công  trong việc ra mắt sách tại Little Sàigòn California trong ít tuần lễ tới.
 
CTSQ. Phuoc Phi (WA).
 
Kính gửi quý đàn anh ở IOWA,
Trước hết em có lời kính thăm sức khỏe quý Anh, cùng gia đình luôn được an vui. Sau là có vài lời gửi gắm:

Một đàn em chưa ra trường, là DƯƠNG THANH HẢI 5815 (#714 588-6677), thất nghiệp ở Nam Cali, vừa thông báo tuần tới sẽ đi tìm đất sống ở Sioux City IO. Em không có số phone của quý Anh để cho em Hải, nếu quý Anh thấy có thể giúp đỡ tinh thần em Hải được trong lúc mới chuyển vùng, thì xin chỉ dẫn em Hải ở số phone ghi trên.
Hải 40 năm nay vẫn chưa lập gia đình, lang bạt kỳ hồ, xin các anh lớn cho vài lời khuyên bảo, để có chỗ trụ lúc tuổi già.
Cảm ơn quý anh nhiều. Kính. PQP.
 
LTT. Cách nay nhiều năm  LTT có gặp em  Hải đôi lần tại Little Sàigòn khi em đang đi giao hàng tại đây, em Hải có dáng gầy và cao , tính tình hiền hậu và lễ phép biết trên biết dưới, nay  qua em Phước biết em có ý định lập nghiệp tại xa vậy cũng chỉ biết chúc em nhiều may mắn  và tin rằng anh em CTSQ địa phương sẽ giúp đỡ cho em  thật nhiều trong những ngày tới, khi nào ổn định nhớ cho anh em  mình biết nhé. Thân ái.
 
Những hên xui quanh số 13
Updated 3/22/2015
CTSQ. Hà Xuân Thụ
Mỗi khi con số 13 xuất hiện chúng ta thường quan tâm đến những chuyện hên xui. Bài viết này muốn kể lại những may rủi rất lớn đã xẩy ra cho gia đình tôi và bạn bè khi miền Nam VNCH bị Việt Cộng cưỡng chiếm ngày 30/4/1975:
 
1 - Bối cảnh Việt Nam trong tháng 4 năm 1975:
 
            Sau khi tốt nghiệp Cao Cấp Chuyên Môn Hải Quân, tôi được bổ nhiệm làm Huấn Luyện Viên ngay tại đơn vị vừa học xong đó là Trung Tâm Huấn Luyện Bổ Túc Hải Quân Sàigòn. Có lẽ Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân Lâm Ngươn Tánh đã ân thưởng cho, sau khi tôi  8 năm đi biển liền tù tì, liên tiếp phục vụ trên nhiều chiến hạm như PCF 3858, WPB 713, HQ 06, HQ 802, HQ 500 và Hạm Trưởng HQ 610. 
            Hai tuần sau đó trường đã khai giảng khóa 1/75 Cao Cấp Hải Quân các sĩ quan thụ huấn có Trung Tá Biểu (K13), nhiều đàn anh khóa 14, 15, như ThiếuTá Dương Chỉ Hồng, Lương Văn Phước và nhiều bạn khóa 16 như Vỏ Văn Á, Vững, Tiến, Vọng v.v.. 
            Đầu tháng tư 1975, lòng tôi nóng như lửa đốt đứng ngồi không yên khi hết Quảng Trị, đến Đà Nẵng, rồi Qui Nhơn đã thất thủ. Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh làm tư lệnh chiến trường tại Nha Trang. Tôi lên phòng nhất BTL/HQ gặp bạn Lý Thành Thông hỏi cách xin biệt phái ra Cam Ranh tử thủ mà không được, nhưng cuối cùng tôi xin được một sự vụ lệnh đi theo khóa Cao Cấp Hải Quân ra Phú Quốc làm trưởng trại tị nạn số 14. 
            Lúc bấy giờ đã có đến vài trăm ngàn dân chúng miền Trung đổ xô về Phú Quốc, vừa đến nơi là tôi phải bù đầu với muôn ngàn công việc cung cấp nơi ăn chốn ở cho hơn 2,000 đồng bào tị nạn của trại. Vì quá bận bịu như thế tôi không có thì giờ để theo dõi Sàigòn và các tỉnh lân cận từ từ mất dần và đất nước của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa đã đến hồi lâm tử. 
            Đến mãi buổi họp chiều 29/4 Đại Tá Thiện tư lệnh vùng 4ZH vẫn còn trấn an chúng tôi, cho phát lương và tiền công tác phí. Các trưởng trại bàn nhau góp tiền ra An Thới mở tiệc để kỷ niệm sau bao ngày vất vả. Trong lúc nhậu nhẹt Thiếu Tá Dương Chỉ Hồng nói lớn đây là bữa tiệc 13 người nhưng chẳng làm ai bận tâm, tôi uống đến say mèm và tài xế đã chở về trại ngủ. 
            Sáng 30/4/75 tôi thấy một người vặn radio lên và nói “ Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh chúng ta đầu hàng, buông vũ khí, chờ tiếp thu”. Tôi nghe radio mà bủn rủn cả người, trước mặt là rừng núi xanh um vì trại tị nạn 14 của tôi nằm sâu trong đảo cách BTL vùng đến 7 kí lô mét. Làm sao bây giờ, trốn vào rừng một mình hay sao, có ai chịu kham khổ đi theo mình trong khi chung quanh tôi chỉ có Cảnh Sát và Quân Cảnh biệt phái !!! 
            Rất may lúc ấy anh tài xế GMC bước vào, bụng mừng thầm tôi nói lớn chúng ta đi lãnh gạo và nhân tiện bỏ tôi xuống tại Bộ Tư Lệnh Vùng để họp. Khi xe vào trong BTL vùng thì bãi biển An Thới đã ở ngay trước mặt, tôi bước thẳng đến cầu tàu nhờ một anh Trung Úy thuyền trưởng PCF chở tôi lại gần chiến hạm HQ 331 đang thả trôi. 
            Trên đài chỉ huy của HQ 331, Hạm Trưởng Phan Tấn Triệu đã thấy tôi, anh cho người đón tôi lên đài chỉ huy và nói: trời, sao mày ra trễ quá vậy tao sắp lên đường đi Singapore đây. Trên tàu đã có Phạm Xuân Kha và Nghiêm Doãn Minh tụi nó mang theo gia đình, còn mày đi độc thân thì ở chung phòng với tao. 
            Tôi nói lời cám ơn vô cùng với Triệu đã cho tôi lên tàu và nói ngay để tao giúp mày tịch thâu hết tất cả các vũ khí như súng lục cá nhân, dao, búa của dân tị nạn trên tàu hầu tránh những bạo hành có thể xẩy ra. Triệu đồng ý ngay biệt phái cho tôi 5 thủy thủ. Kết quả chúng tôi đã vượt một hải trình tị nạn viễn dương 16 ngày rất xa và tuyệt đối bình an trên chiến hạm HQ 331. 
            Đoàn tàu chúng tôi có 4 chiến hạm 230, 330, 331 và 602, trong lần di tản này có cả Trung Úy Nguyễn Thế Duyệt (K19) làm Hạm Phó ở HQ330, riêng bạn Huỳnh Quang Hưng (K16) có biệt danh Lucky lại chẳng Lucky tí nào, Hưng ở trên Tuần Duyên Hạm HQ602 với Hạm Trưởng xui tận mạng Ngô Minh Dương như sau: 
            2.- Hên xui quanh tiệc 13 người với ba trưởng trại tị nạn: 
 
Nhìn vào bản đồ thì hải trình tị nạn chúng tôi giống y như cái móc câu khổng lồ, khởi hành ngay tại Phú Quốc đi qua Mã Lai vòng xuống đáy là Singapore rồi vòng thẳng lên hướng Bắc Đông Bắc ngang qua Indonesia, Bornéo, Philippines. Đoàn tàu chúng tôi bỏ neo hai ngày ở Singapore để bàn thảo đi tị nạn ở Mỹ hay là Úc Châu. Sau cùng đã quyết định đi đến trại tị nạn Hoa Kỳ ở vịnh Subic. Thời tiết tháng năm bấy giờ thật là lý tưởng, biển êm như ru, đoàn tàu có đến ngàn người mà không một ai bị ói mửa hoặc say sóng chi cả. 
            Gần 4 giờ sáng ngày 8 tháng 5 có báo động Tuần Duyên Hạm HQ602 mất tích không còn chạy theo đoàn nữa. Chúng tôi ngừng lại cả nửa ngày tìm kiếm vẫn không thấy tăm hơi nên lại tiếp tục trực chỉ hướng Bắc Đông Bắc để đến Subic Bay. Ba ngày sau chúng tôi nghe được tin radio phóng thanh từ Việt Nam cho biết thủy thủ đoàn HQ602 nhớ vợ con nhà cửa, đã nổi loạn giết chết hạm trưởng Ngô Minh Dương lái tàu trở lại Sàigòn. 
            Còn Hưng Lucky bị giam 7 năm ở trại cải tạo, mãn hạn tù anh lại vượt biên nữa và hiện sống ở Ontario, Canada. Hưng thiệt là xui xẻo hết biết, anh đã đến ngoại quốc rồi còn bị lôi trở về Việt Nam lãnh thêm án tù 7 năm. 
            Thiếu Tá Dương Chỉ Hồng gần chiều tối 30/4 mới đem được toàn gia đình lên được một PCF do một Trung Úy làm thuyền trưởng, để tránh bị lộ PCF đã im lặng vô tuyến tắt máy 46 và 25. Hồng nhờ thuyền trưởng lái gần lại LST 505 đang thả trôi ngoài Vịnh An Thới do Trung Tá Nhượng làm hạm trưởng đang đợi ghe của gia đình bạn là Tr/Tá Hãn. Khi PCF sắp lại gần LST 505 thì Việt Cộng trong bờ bắn B40 ra.  
            Hạm trưởng Nhượng cho tàu LST chạy ra xa hơn nữa có radio cho Tr/ Tá Hãn chạy theo. Vì PCF của Hồng tắt radio nên không nghe được radio của ông Nhượng. Thiếu Tá Hồng tưởng rằng HQ505 bỏ đi không vớt nữa nên đã cùng anh thuyền trưởng đem PCF về Sàigòn. Dương Chỉ Hồng bị đày Bắc, tù cải tạo 9 năm, cuối cùng Hồng và toàn gia đình cũng đã định cư ở Mỹ. 
            Trên ghe của Trung Tá Hãn còn có toàn thể gia đình anh Võ Văn Á cũng là một trưởng trại tham dự bữa tiệc đêm 29/4. Bạn Á và gia đình di tản qua Mỹ từ năm 1975. 
            Vào một ngày của tháng Năm 1975 chúng tôi đang đi dạo trong trại tị nạn Subic, bổng nhiên Phan Tấn Triệu chỉ cho tôi giòng nhắn tin viết trên một dĩa cơm giấy treo ở cột điện “nhắn tin cho Hà Xuân Thụ, em và hai con đã trên đường đi Guam”. Tôi mừng quá vội chia tay Triệu để bay qua Guam và chỉ trong một thời gian rất ngắn gia đình chúng tôi đã định cư ở Mỹ. Đúng là:
 
Giúp dân Việt Phật Trời ban phước
Cho vượt biên đoàn tụ vợ con
Tự do sung sướng cả đời
Tu nhân tích đức nhớ lời phật ban  
 
            Sau này chứng nhân là anh chị Võ Văn Á đã kể lại rằng tôi thực sự thoát chết trong ngày 30/4/75 mà không hề biết (sẽ đăng bài này trong tháng Tư của 40 năm viễn xứ )
            Nhiều lần suy nghĩ tôi thấy mình đã may mắn đến lạ kỳ nên chỉ biết cám ơn các đấng vô cùng thiêng liêng như Phật, Chúa hoặc Thượng Đế. Tôi tự nguyện phải bố thí và càng phải tu nhân tích đức nhiều hơn nữa để hưởng được những ân huệ vô cùng to lớn như trên.
 
LTT. Đọc bài viết của đàn anh thấy hay qúa nên đàn em xin thỉnh  bài này để chia xẻ cùng anh chị em các nơi  xa gần, trong và ngòai tập thể C.TSQ  chưa có dịp  biết để cùng nhau hưởng chút phước lành của anh,  cũng như giúp thêm phần tu nhân tích đức,  riêng LTT  khi còn ở trường TSQ  học cùng chung lớp với   em ruột của anh Thụ , đàn anh  TSQ lớp  trên ít biết đàn em TSQ lớp dưới nhưng đàn em thì  lại nhớ các anh lớp trên . Chúc anh  dồi dào sức khoẻ  và vui vẻ. Kính anh.
 
CTSQ Vũ Mỹ.
 
CHUYEN 'bac HO-SAC ' CAC BAN'' DUA' THE THAM.chuyen khong co gi ma AM-I.ta nen ,nho nhe XAY-DUNG TRUOC,ROI NO KHONG NGHE..TA 'XU' SAU.chuyen dau con do.DUNG NONG NAY. theo cai nhin cua toi,,thi HO-SAC ,rat dep  trai. dung dau toan co.mac quan phuc chinh te nu cuoi tuoi mat.the la ngon roi,NGUOI NGOAI, ai biet anh chang nay thuoc don vi nao.chi co anh em trong doan the TSQ moi biet ro...{ thoi ta nhe nhang len tieng.de em dep .co hay hon la ta TO TIENG DE MOI NOI MOI NGUOI BIET } Ddvumy.
 
LTT. Thưa Sư Huynh kính mến, tất cả những bài  hay ý-kiến trên Làng câu AET  nói chung  đều có mục đích hướng thiện, trong số Làng Câu AET #129 khi đề cập đến anh Hồ Sắc thì  cũng đã  tiên liệu kết qủa trước rồi (xin vui lòng xem lại)... Làng Câu  AET nhận được rất nhiều tài liệu từ Cộng Đồng, từ anh em bên Võ Bị,  của nhiều Hội Đòan khác  nói về anh và chị Hồ Sắc tại Houston Texas cũng rất ít cái nhẹ nhàng,  chúng ta thì dù sao cũng còn  chừa lại chút tình, nhưng trung ngôn nghịch nhĩ,  chuyện anh Sắc  không phải mới đây mà đã  được anh  Sắc tính tóan  lớp lang, bài bản từ hàng chục năm rồi bổn cũ sọan lại mà thôi,  và nếu có thể được kính mong anh Đại Đế chỉ cho đàn em  một cách rõ ràng  và cụ thể  cái gì nên làm  và nên tránh, chúc anh  vui vẻ và mạnh khoẻ, xin cho chúng em hỏi thăm  và vấn an  chị Mỹ nhé.
 
 
Tin Vui Của  Hội C.TSQ Little Sàigòn California.
[Attachment(s) from Luong Phan included below]
Kính thưa quý anh chị CTSQ miền Nam CA.
 
Sau một thời gian chờ đợi. xin báo tin mừng cho quý anh chị bảng bylaw non profit organization 501 (C)(3) của Hội CTSQ miền Nam CA đã được chấp thuận bởi cơ quan IRS của Liên Bang.
Như vậy kể từ nay Hội CTSQ miền Nam CA sẽ được miển thuế, đồng thời quý CTSQ và mạnh thường quân khi yểm trợ cho Hội sẽ được trừ thuế.
Đính kèm theo đây là Văn Thư chấp thuận của cơ quan Internal Revenue Service (IRS).
 
Trân trọng thông báo
CTSQ Phan Ngọc Lượng 
 
 alt
 
 
LTT. Xin chúc mừng anh em CTSQ Nam Cali đã có "lá bùa" hộ thân (Tax Exempt, chính hiệu 100 phần dầu) mà công đầu là  C.TSQ  Hội Trưởng và  tất cả anh chị em CTSQ tại địa phương. Thân ái.
 
- - - - - - -
 
Thân ái,
Làng Thủy Triều .
 
 
            - Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.
            - Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình, không phải bởi vì người ta ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa trách nhiệm.
            - Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người ta sai, mà là người ta hiểu được trân trọng người bên cạnh mình

No comments:

Post a Comment